Viện Viễn Đông Bác cổ và Việt Nam Viện_Viễn_Đông_Bác_cổ

Bảo tàng Chàm tại Đà Nẵng của EFEO, đầu thế kỷ 20

Được thành lập tại Việt Nam và đặt trụ sở chính ở đây trong suốt hơn nửa thế kỷ, Việt Nam học luôn là một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính của EFEO. Qua các tập san cũng như các tổng kết, có thể thấy những đóng góp quan trọng về Việt Nam học của các học giả Viện Viễn Đông Bác cổ, cả người Pháp và người Việt.[31]

Bãi đá cổ Sa Pa, địa điểm EFEO nghiên cứu và bảo tồn

Những nghiên cứu của EFEO bao trùm nhiều lĩnh vực của Việt Nam học, như tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, văn học, ngôn ngữ, dân tộc học... và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các khái niệm của lịch sử văn minh Việt Nam như văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh... đều do EFEO công bố trước 1954. Viện Viễn Đông Bác cổ đã sưu tầm, bảo tồn hiện vật và biện soạn nhiều tài liệu về Việt Nam học. Kho sách của EFEO về sau được chuyển giao cho Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Thư viện Khoa học Kĩ thuật Trung ương và Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Một phần khác hiện được lưu trữ tại các thư viện, trung tâm nghiên cứu của Pháp.

Một số di tích quan trọng của Việt Nam cũng do các nhà khoa học của EFEO khám phá vào đầu thế kỷ 20. Năm 1898, Thánh địa Mỹ Sơn được một người Pháp phát hiện. Không lâu sau đó, các nhà khoa học của EFEO đã tới nghiên cứu kiến trúc, điêu khắc và các văn bia của quần thể di tích này. Kết quả đã làm sáng tỏ các câu hỏi về Mỹ Sơn, cũng như xác định được giá trị của di tích. Tên gọi các khu vực đền tháp ở đây (A10, B5...) đều do học giả của EFEO đặt.[32] Năm 1924, Viện Viễn Đông Bác cổ tìm ra Bãi đá cổ Sa Pa ở miền Bắc Việt Nam. Đến nay, EFEO vẫn tiếp tục nghiên cứu và cùng phía Việt Nam tìm kiếm phương án bảo vệ bãi đá trước sự phá hoại của người dân và khách du lịch.[33]

Viện Viễn Đông Bác cổ cũng xây dựng nền móng cho hệ thống bảo tàng lịch sử ở Việt Nam. Do nhu cầu bảo tồn các hiện vật lịch sử, năm 1926, EFEO thành lập bảo tàng Louis Finot, tức Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay. Tương tự ở Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng được EFEO bảo trợ, thành lập năm 1919 mang tên học giả Henri Parmentier.[34]

Các thành công của EFEO đã giúp đỡ cho chính giới học giả Việt Nam và cả giới Đông phương học thế giới tiến hành các nghiên cứu về Việt Nam học.[31]